Movie Blogs

Biutiful: "Tranh đẹp, nhưng mà... nó vẽ cái gì đấy ạ?"

26/02/2011

Uxbal - một người Catálan trung niên - là trung gian kiếm việc làm cho những người lao động nhập cư vào Tây Ban Nha trái phép, anh giao dịch với một người đàn ông Trung Quốc chủ một tiệm may túi xách và nhóm những người Senegal buôn bán hàng hóa lậu (trong đó có ma túy), mặt khác thỏa hiệp với phía cảnh sát để họ không bắt giữ những người nhập cư trái phép này quá gắt gao. Ngoài ra, anh còn có khả năng nghe được tiếng nói của người chết và siêu độ cho họ. Thảm họa ập đến, Uxbal biết mình sắp chết vì ung thư, cộng thêm thảm kịch với những người Trung Quốc may túi xách kia, Uxbal phải đối đầu với cái chết như thế nào khi anh vẫn còn hai đứa con nhỏ và một người vợ (cũ?) lúc tỉnh táo lúc điên loạn?

Đạo diễn: Alejandro González Iñárritu
Kịch bản: Alejandro González Iñárritu, Armando Bo, Nicolás Giacobone
Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha và vài đoạn đối thoại tiếng Wolof (của người Senegal) cùng tiếng Trung (Phổ thông).
Trang IMDB: click

Chỉ phần tóm tắt thôi cũng đủ thấy Biutiful nêu ra rất nhiều vấn đề, quá nhiều vấn đề mà ngay cả một bộ phim dài 2 tiếng 28 phút cũng không giải quyết được. Câu chuyện chính của phim xoay quanh Uxbal và gia đình anh - với hai đứa con nhỏ, một cô bé gái 10 tuổi và cậu nhóc khoảng 7 tuổi nghịch ngợm như những đứa trẻ khác cùng tuổi, người vợ (đã ly dị nhưng không hẳn là vợ "cũ") lúc tỉnh táo lúc điên loạn tuy vẫn còn tình cảm với chồng cũ nhưng lại thích quan hệ với nhiều người đàn ông khác (bao gồm người anh trai được miêu tả như một tay chơi máu lạnh chỉ lợi dụng người khác của Uxbal). Mặt khác, Uxbal kiếm tiền bằng cách làm trung gian giữa những nhóm người lao động nhập cư trái phép và phía cảnh sát. Giữa những người này có Hai, chủ xưởng may dệt túi xách, đã có gia đình, vợ con nhưng ngoài ra còn có cuộc tình vụng trộm với người đàn ông khác, Liwei (tại sao hả bác đạo diễn, tại sao thế?)

Cảnh gia đình Uxbal ngồi ăn bên nhau

Đọc đến đây, có lẽ bạn đang choáng váng nhức đầu vì những nhân vật và các tình tiết rối rắm đan xen trong phim. Sự thật là, Biutiful có quá nhiều câu chuyện nhỏ rời rạc bên trong câu chuyện lớn (như mối tình "gay cấn" của hai người đàn ông Trung Quốc bên trên với một kết thúc cũng khá gay cấn nhưng đoán trước được) đến nỗi người xem nhiều khi quên mất những chủ đề chính của phim. Vì vậy, tôi sẽ tập trung vào những chủ đề chính này (mà tôi còn nhớ được sau khi đi xem phim ở rạp về) và tạm bỏ những sự rối rắm làm phim lộn xộn và thiếu tâm điểm kia sang một bên.

Lược bỏ đi hết những thứ rối rắm, Biutiful có thể được xem như một bộ phim cảm động về tình cảm gia đình. Gia đình Uxbal tuy có rối ren, có những trận cãi vã, thậm chí có sự bạo hành (không đáng kể lắm, nhưng so với tiêu chuẩn của phương Tây thì đó là bạo hành), nhưng không thể nói rằng họ không thương nhau. Người vợ (cũ, nhưng không hẳn là cũ) của Uxbal mắc chứng rối loạn lưỡng cực, lúc điên loạn sầu khổ lúc vui vẻ dịu dàng, cô ta cố gắng hàn gắn với chồng mình và hai đứa con nhỏ nhưng đến cuối vẫn không thể tự kiểm soát bản thân và quay về con đường nghiện ngập cũ. Uxbal tuy nghề nghiệp không được đứng đắn nhưng lại là người cha rất thương con, làm hết khả năng của một ông bố độc thân để hai đứa con mình được vui vẻ khi thiếu vắng một người mẹ. Xuyên suốt cốt truyện phức tạp hỗn độn, những chi tiết gia đình Uxbal sum vầy bên nhau và vài khoảnh khắc ngắn ngủi hạnh phúc bên người mẹ là những giây phút ấm áp nhất phim.

Ngoài những đoạn cảm động về Uxbal, vợ và hai đứa con, phim còn lèo lái sang câu chuyện nhỏ về Ige và chồng, hai người Senegal chạy đến Barcelona tìm việc. Khi chồng Ige bị bắt và trả về Senegal, Ige ở lại với gia đình Uxbal chăm sóc cho đứa con nhỏ của mình. Ngay cả cô gái Trung Quốc Lili cũng luôn mang theo một đứa con nhỏ. Ở một khía cạnh nào đó, Biutiful gợi nên không khí tình cảm gia đình tỏa sáng ngay cả khi cuộc đời đen tối nhất.

Uxbal: "Đừng quên bố, con nhé."

Mặt khác, Biutiful cố gắng miêu tả tâm trạng của con người khi cái chết cận kề. Ăn năn sám hối, cố gắng làm lành với người thân, chữa lành vết thương của quá khứ để có thể ra đi một cách thanh thản, là khi Uxbal ôm lấy đứa con gái của mình khóc nói, "Đừng quên bố nhé con. Đừng quên bố nhé!", hay khi Uxbal không oán trách người vợ của mình mà nói, "Chúng ta đã làm tổn thương nhau rất nhiều. Anh không giận em, và em cũng tha thứ cho anh nhé." Phim còn cho thấy sự tuần hoàn của cuộc đời người. Uxbal mồ côi cha mẹ, con của Uxbal rồi cũng thế (với một người mẹ không chăm lo được cho chúng), nhưng "vũ trụ sẽ chăm lo cho chúng" - đó là triết lý của phim.

Lẽ ra phim sẽ hay hơn nhiều nếu không có chi tiết Uxbal có thể nói chuyện được với người đã chết và "giải thoát" được cho họ. Có thể phim muốn cho thấy ngay cả một người có khả năng siêu nhiên, giải thoát được cho người chết thảnh thơi ra đi, khi phải đối diện với cái chết của chính mình, anh cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Thế nhưng với phần lớn bộ phim, chi tiết này rất thừa thãi và chỉ có một điều có thể biện minh cho chuyện này, đó là trong văn hóa Tây Ban Nha - Mỹ Latinh, các nghệ sĩ thường thích đưa những yếu tố siêu thực vào câu chuyện, dù tác phẩm nói về chuyện có thật (trường phái nổi tiếng "hiện thực huyền ảo"). Và, đây cũng chỉ là sự phỏng đoán của tôi để phần nào biện minh cho sự thừa thãi đó.

Bên cạnh hai chủ đề - gia đình và cái chết - nói trên, có những mảnh phim của Biutiful rất đẹp, như cảnh Barcelona buổi sáng, mặt trời vừa ló dạng trên đỉnh tòa nhà biểu tượng của thành phố, La Sagrada Familia, một công trình kiến trúc vĩ đại của Antoni Gaudí. Dù là bình minh, khung hình của La Sagrada Familia bị bao phủ bởi gam màu xanh lạnh lẽo, và Barcelona thường mang hình ảnh vui tươi, lãng mạn bỗng chốc trở nên buồn thê lương. Âm nhạc của phim tô thêm nét buồn với những cảnh phim dài, như cảnh Ige đem tiền của Uxbal chạy đi đến sân bay nhưng vẫn còn ngập ngừng, cô đã quay lại nhìn Barcelona lần cuối và tiếng ghita chầm chậm vang lên trong nhiều phút. Có lẽ Alejandro González Iñárritu muốn cho thấy một Barcelona rất khác với thành phố đẹp đẽ mà du khách luôn biết đến nó - một Barcelona với những người nhập cư sống khổ sở qua ngày mà không biết ngày mai cuộc đời sẽ trôi dạt đi về đâu. Tại sao lại là Barcelona? Có lẽ để nói rằng dù ở một nơi tráng lệ như thế, vẫn có những cảnh đời khốn khó như mọi nơi khác trên thế giới.

Biutiful với lối quay phim đẹp ấn tượng, những gam màu đậm và trầm buồn và âm nhạc ấn tượng, đã chạm đến rất nhiều chủ đề, nhưng chỉ là chạm khẽ mà không đi sâu vào được bất cứ vấn đề nào. Lan man và dàn trải, Biutiful cũng như một bức tranh nhìn vào rất đẹp nhưng người xem lại không biết phải khen cái gì trên tranh đó cả. Và khi xem phim xong, tôi tưởng tượng ra Biutiful là một bức tranh đẹp ở viện bảo tàng, còn mình là đứa bé 5 tuổi nắm tay bố hỏi câu hỏi ở tựa bài. Nếu muốn xem một kiệt tác điện ảnh, có lẽ bạn không nên kỳ vọng quá nhiều ở phim, nhưng nếu muốn ngắm một bộ phim đẹp (và có lẽ là hay của năm 2010) thì cũng không tệ lắm.


Điểm: 7/10


© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com